Dữ liệu số từng bước được đẩy mạnh
Các đơn vị đã nỗ lực đưa ra các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) công nghệ số tăng cường sáng tạo ứng dụng số để thúc đẩy phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động trong các ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính (CCHC), nhất là thủ tục hành chính (TTHC) gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, CĐS.
Cũng trong công tác này, kết quả đạt được ở lĩnh vực dữ liệu số được đẩy mạnh, từng bước kết nối, chia sẻ. Cụ thể, hệ thống Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đã kết nối 103 bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức ở Trung ương (cơ bản hết cơ quan cấp I); kết nối 10 cơ sở dữ liệu (CSDL), 15 hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên NDXP.
Các bộ, ngành cần hỗ trợ, đẩy mạnh việc chia sẻ CSDL chuyên ngành theo thời gian thực.
Các kết quả đạt được khác gồm: Dữ liệu dân cư (đồng bộ thành công 267.526.070 thông tin công dân vào dữ liệu dân cư); bảo hiểm (xác thực hơn 95,8 triệu thông tin nhân khẩu); hộ tịch (triển khai đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử trực tuyến và kết nối liên thông dữ liệu thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp); đăng ký DN ( các thông tin được cập nhật liên tục theo thời gian thực và liên thông với Hệ thống đăng ký thuế); cán bộ, công chức, viên chức (kết nối, đồng bộ dữ liệu với 100% các đơn vị).
Đối với dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ TTHC đủ điều kiện được cung cấp DVCTT toàn trình đạt 100%; giao dịch trên Cổng Dịch vụ công quốc gia ccó hơn 370 nghìn tài khoản đăng ký, hơn 7,5 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, hơn 1,1 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích, cung cấp 4.505 dịch vụ công trực tuyến.
Chưa dừng lại, việc triển khai thúc đẩy nguồn nhân lực số cũng đạt nhiều tích cực. Trong đó, việc phổ cập kiến thức, kỹ năng số cho cán bộ, công chức và người dân luôn được đẩy mạnh.
Cụ thể, Bộ TT&TT đã xây dựng Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs) để phổ cập kỹ năng số cho nhiều đối tượng; triển khai chương trình bồi dưỡng 500 chuyên gia chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương trên nền tảng MOOCs; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho gần 172.000 thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng tại 22/63 địa phương... Đến nay đã có gần 24 triệu lượt người truy cập khóa học phổ cập kỹ năng số.
Cùng với đó, Bộ TT&TT đã đẩy mạnh công tác bảo vệ an toàn, an ninh mạng. Đơn vị đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 862 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam.
Đặc biệt, trong công tác phát triển công dân số, đến nay Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ CCCD gắn chíp và thu nhận trên 73,8 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 52,7 triệu tài khoản (tỷ lệ kích hoạt trên tổng số hồ sơ thu nhận đạt 71,37%); đã có 8 triệu người sử dụng tài khoản VNeID đăng nhập vào Cổng dịch vụ công quốc gia (đạt tỷ lệ 15,18%).
Cần thực hiện tốt công tác số hóa, tái sử dụng, chia sẻ dữ liệu số
Tuy nhiên, để đạt những kỳ vọng, hướng đến những kết quả tích cực, thực chất hơn nữa, yếu tố cần chính là sự đồng lòng, tích cực, nỗ lực không ngừng từ các đơn vị.
Với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ hướng dẫn, triển khai, tổng hợp, đánh giá kết quả nhiệm vụ quan trọng này, Bộ TT&TT đánh giá vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, một số đơn vị vẫn chưa ban hành kế hoạch thực hiện CĐS năm 2024, vì vậy cần sớm được đẩy mạnh để thực hiện; cần có giải pháp thu hẹp về khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp (để giữ chân các cán bộ chuyên trách về CNTT không nghỉ việc); tăng cường mở rộng mạng lưới điện rộng tới các đơn vị ở vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Đưa ra các đề xuất, giải pháp thực hiện nhiệm vụ ngày một hiệu quả, theo Bộ TT&TT, các đơn vị cần tập trung đẩy mạnh việc nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, tỉnh, bảo đảm thực hiện tốt công tác số hóa, tái sử dụng, chia sẻ dữ liệu số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, giúp cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục theo hướng người dân chỉ phải khai báo, cung cấp thông tin một lần.
Đồng thời, hoàn thành kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, tỉnh với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; đồng bộ thông tin tiếp nhận, xử lý hồ sơ giữa các Hệ thống thông tin trên với Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương tăng cường tổ chức các hội nghị tập huấn nghiệp vụ, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, viên chức và người dân về chuyển đổi số, tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn toàn quốc về phát triển dữ liệu chuyên ngành, phân tích xử lý dữ liệu cho các bộ, ngành.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng (địa điểm, điện lưới,
) để các DN viễn thông phủ sóng các vùng lõm sóng; đưa cáp quang tới các thôn bản, đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình. Đề nghị các địa phương rà soát, tiếp tục tổng hợp báo cáo hiện trạng thôn lõm sóng theo hướng dẫn của Bộ TT&TT.
Đặc biệt, các bộ, ngành hỗ trợ chia sẻ CSDL chuyên ngành theo thời gian thực đối với dữ liệu thuộc phạm vi quản lý để địa phương có thể khai thác, phân tích phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, ra quyết định; xây dựng các nền tảng dùng chung cho toàn quốc, có danh mục cụ thể và bảo đảm nhân lực để triển khai đến cấp cơ sở để các địa phương tích hợp, kết nối, khai thác hiệu quả
Nguồn: Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa.