Xem nhiều
1. Đặc điểm tự nhiên:
Trong cuốn “Đại Nam Nhất Thống Chí” (Quyển VI) do Quốc sử quán Triều Nguyễn biên soạn có đoạn chép về Cẩm Thủy như sau:
“ Đời Đinh, Đời Lý huyện này là Cử Long, đầu đời Lê là huyện Lạc thủy, khaongr đời Thiệu Bình và Diên Ninh đổi làm huyện Ba Long, lại đổi thành huyện Đa Cẩm, đến đời Quang Thuận (1460-1469) mới đổi tên như ngày nay”
Vẫn theo sách trên thì địa giới Cẩm Thủy ngày nay so với đời Quang Thuận thay đổi không đáng kể, đông vẫn giáp huyện Vĩnh Lộc, tây giáp huyện Bá Thước, nam giáp huyện Ngọc Lặc và Yên Định, bắc giáp huyện Thạch Thành. Chiều dài từ Eo Lê (phía Đông) đến Làng Én (Phía tây) gần 43km, chiều rộng từ Eo Trăn (Phía bắc) đến điểm mút phía nam xã Cảm Tâm khoảng 35km.
Là miền đất chuyển tiếp từ miền núi xuống đồng bằng, nên từ cấu trúc tự nhiên của địa hình đất đai, sông ngòi đến tổ chức xã hội, phong tục tập quán, thói quen canh tác, đời sống văn hóa tinh thần, Cẩm Thủy vừa có bản sắc của miền vùng núi dân tộc, vừa có bản sắc của vùng đồng bằng và đô thị. Là huyện trung du miền núi nhưng đất nông nghiệp chiếm tới 60% diện tích đất tự nhiên, tạo cho Cẩm Thủy tiềm năng to lớn về sản xuất lương thực và các loại nông sản khác.
Núi rừng ở Cẩm Thủy mang tính chất bán sơn địa, không cao, phần lớn là đồi núi thấp xen kẽ với núi đá vôi, diện tích chưa tơi 40% đất tự nhiên. Rừng Cẩm Thủy cũng có đủ loại lâm sản và thú quý hiếm không kém các loại rừng nhiệt đới khác như: lim, lát, nghiến, gụ, sến,… thú có hưou sao, nai, hổ, gấu, lợn rừng, gà rừng..
Cấu trúc địa tầng ở Cẩm Thủy rất đa dạng, chứa nhiều khoáng sản như: than ở Cẩm Ngọc, Cẩm Yên, Cẩm Long, Cẩm Phú, phốt phát, sắt ở Cẩm Giang, Cẩm Quý, chì ở Cẩm Thạch.. và nhiều nơi có vàng ở dạng sa khoáng, đên nay chưa ai biết được trữ lượng.
Cẩm Thủy có nhiều loại đá quý hiếm, ở Cẩm Vân, Cẩm Liên có loại đá hoa cương với nhiều màu sắc đẹp, đã được đồng bào nơi đây đưa ra Hà Nội để xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngoài sông Mã, con sông lớn nhất tỉnh Thanh Hóa chảy từ tây bắc xuống đông nam huyện, Cẩm Thủy còn có nhiều khe suối, mương bai, tạo nguồn nước sinh hoạt cho đời sống và sản xuất.
Đoạn sông Mã chảy qua huyện Cẩm Thủy, núi non trùng điệp, sự kết hợp sơn thủy tạo ra nhiều cảnh đẹp, đáng chú ý nhất là động Cửa Hà. Tên Cửa Hà có từ đầu thế kỷ XIX khi huyện lị chuyển từ Cẩm Vân về Phong Ý. Cửa Hà có một vẻ đẹp ngoạn mục của một cửa sông sơn thủy hữu tình, trên bến dưới thuyền, làm cho Cửa Hà đã trở thành một danh thắng nổi tiếng trong vùng. Cẩm Thủy còn có Mó Ngọc (Suối cá thần) ở Cẩm Lương, cảnh đẹp thơ mộng hùng vĩ, với đàn cá thần đông đúc có từ thời xa xưa và đang trở thành một điểm du lịch hấp dẫn du khách gần xa.
Cẩm Thủy nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, vừa thuận lợi, vừa khắc nhiệt, có gió lào nắng nóng, mưa lũ và cũng có lạnh rét khô hanh. Giao thông ở Cẩm Thủy có đường tỉnh lộ 519 và hai trục đường Quốc lộ chính là đường Quốc lộ 217 nối Quốc lộ 1A đi Lào; đường 15D (nay là đường Hồ Chí Minh) chạy qua 4 xã là Cẩm Tú, Cẩm Phong, Cẩm Sơn, Cẩm Châu. Giao thông thủy bộ ở Cẩm Thủy thuận lợi để giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các miền.
Cũng từ đặc điểm tự nhiên đó, Cẩm Thủy là cửa ngõ miền Tây Thanh Hóa có vị trí quan trọng về mặt quân sự; Cẩm Thủy luôn được Đảng, Nhà nước chọn làm căn cứ hậu phương cho các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm; trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
2. Đặc điểm kinh tế:
Cẩm Thủy có nền nông nghiệp truyền thống, loại hình đất đa dạng có núi, đồi, ruộng, bãi nên nền nông nghiệp phát triển phong phú, cây lúa nước là cây lương thực chính. Đặc biệt cây ngô cũng là cây lương thực phát triển mạnh ở vùng bãi dọc theo hai triền sông Mã được bồi đắp phù sa màu mỡ cho năng suất cao. Do vậy Cẩm Thủy là một trong những vùng chuyên canh ngô lớn ở miền bắc.
Do thuận lợi về giao thông kể cả đường thủy và đường bộ, việc trao đổi hàng hóa buôn bán ở Cẩm Thủy đã xuất hiện khá sớm, một số trung tâm buôn bán đã hình thành từ xa xưa như: Phố Cẩm Phong, Phố Vạc, Chợ Màu, Chợ Bãi là những chợ lớn trong vùng để đồng bào miền xuôi đem muối, vải, đồ đúc đồng, nhôm, sành, sứ lên bán và mua về các lâm sản quý như: sa nhân, mộc nhĩ, măng khô, nấm hương và những đại gia súc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như trâu, bò.
Đầu thế kỷ XIX các trung tâm buôn bán Cửa Hà, đã thu hút được nhiều nhà buôn lớn từ Thị xã Thanh Hóa, Vinh, Nam Định, Hà Nội… phố xá hàng quán của Hoa Kiều, cửa hàng vải của Ấn Kiều, hiệu buôn của tiểu thương mọc lên nhiều, những nghề truyền thống của địa phương như nghề dệt thổ cẩm của các cô gái Mường, nghề nuôi tằm dệt lụa của người Cẩm Vân, nghề rèn dao, rèn cuốc ở Đò Tuần, có thời nổi tiếng khắp các châu của miền tây Thanh Hóa, ra tới Hòa Bình và sang tận nước bạn Lào.
Từ khi trở thành trung tâm buôn bán, bộ mặt nông thôn xung quanh Cửa Hà dần dần đổi thay, văn minh đô thị theo các nhà buôn lên vùng rừng núi mang đến cho Cẩm Thủy luồng sinh khí mới, dân trí được mở mang, mặc dù ở xa tỉnh lị, nhưng cuộc sống đồng bào ở đây đỡ hoang dã hơn các vùng rừng núi khác, điều đó cắt nghĩa vì sao khi phong trào cách mạng về đến Cẩm Thủy, đồng bào dân tộc ở đây, mà tiêu biểu là những trí thức yêu nước, đã tiếp nhận và chuyển thành phong trào cách mạng của quần chúng, gần như cùng nhịp với các huyện miền xuôi.
3. Đặc điểm xã hội:
Ngày nay dựa vào thành tưụ của ngành ngôn ngữ học, dân tộc học, khảo cổ học, văn học dân gian và các thư tịch còn lại đã minh chứng: Từ buổi bình minh của xã hội loài người, vùng đất Cẩm Thủy đã có người Việt cổ sinh sống. Nơi đây còn lưu trữ những dấu tích của con người thời đồ đồng, đồ sắt. Cẩm Thủy là nơi gặp gỡ của hai nền văn hóa bản địa lớn ở nước ta, là văn hóa Đông Sơn và văn hóa Hòa Bình. Trong tập quán canh tác, trong sinh hoạt văn hóa, trong nghi lễ tôn giáo, trong ngôn ngữ giao tiếp, vẫn còn mang đậm dấu ấn của hai nền văn hóa lớn ấy đan xen, hòa quyện vào nhau cùng tồn tại và phát triển.
Trước năm 1945 tổ chức xã hội mang tính truyền thống ở Cẩm Thủy là làng, xã, là chòm xóm. Nhưng đến triều Nguyễn, vào năm Minh Mệnh thứ 16, nhà Nguyễn bắt đầu đặt bộ máy cai trị ở Cẩm Thủy, một huyện trung du miền núi, giống như các huyện ở miền xuôi, theo chế độ lưu quan. Từ đó Cẩm Thủy mới có huyện đường và tri huyện do triều đình bổ nhiệm. Ngoài tri huyện, ở huyện đường còn có hệ thống quan lại và lính tuần sai. Dưới huyện có Chánh tổng và hương lại, hương kiểm và có tổng đoàn, một hình thức trá hình của lính tuần sai.
Do chế độ lưu quan, nên các chức sắc hàng tổng, tri huyện đành phải dành cho các quan lang bản địa nắm giữ. Quan lang mường Thạch Lẫm là Phạm Phúc Quang làm chánh tổng Gia Dụ, quan lang mường Phú Môn là Trương Công Lưu làm chánh tổng Cự Lữ.
Dưới chánh tổng còn có lý trưởng cai quản các làng, xã, chòm xóm. Các chức sắc này phần lớn rơi vào tay bọn địa chủ và bọn có chức sắc trong làng.
Như vậy, ngoài ách áp bức bóc lột của quan lang vùng miền núi, người Cẩm Thủy dưới các triều đại phong kiến, còn phải chịu ách cai trị của bộ máy quan lại. Đặc biệt dưới triều nhà Nguyễn hình thức bóc lột sưu thuế nông dân hết sức dã man. Người nông dân hai sương một nắng cấy trồng, lúc thu hoạch bọn địa chủ, quan lại đến vạch 2 đường chéo từ 4 góc, chia ruộng thành 4 ô, của quan lại địa chủ được 2 ô, người nông dân được 2 ô.
Do bị bọn phong kiến và quan lang bóc lột nặng nề, nên mặc dù sống ở miền đất có tiềm năng to lớn về nông nghiệp, được thiên nhiên ưu đãi, nhưng người nông dân Cẩm Thủy vẫn đói rách quanh năm.
Song, cũng như nhiều vùng quê khác trên đất nước Việt Nam, người dân Cẩm Thủy cần cù lao động, gắn bó với nhau thành một cộng đồng để chống chọi với thiên tai địch họa. Vì vậy năm 1885, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, đồng bào dân tộc Cẩm Thủy đứng về sĩ phu yêu nước: Hà Văn Mao, Tống Duy Tân, Cầm Bá Thước… chống thực dân Pháp. Thực dân Pháp một mặt vẫn sử dụng bộ máy cai trị của chế độ phong kiến nhà Nguyền như trước đây, mặt khác chúng sắp xếp lại các tổng, các mường để dễ bề cai quản, Cẩm Thủy từ khi Pháp đô hộ, từ 11 Mường còn lại 2 Mường lớn là Mường Trác (còn gọi là Mường Phú Môn) cai quản hầu hết các xã, chòm phía Bắc huyện và mường Thạch Lẫm (còn gọi là Mường Phấm) cai quản hầu hết các xã, chòm phía tây huyện, từ 09 tổng xếp lại còn 05 tổng.
Pháp đưa quân lên lập đồn Phong Ý để canh giữ cửa ngõ ở phía tây Thanh Hóa. Lập đồn kiểm lâm (một đồn binh trá hình) để kiểm soát và đánh thuế lâm thổ sản. Chúng chiếm đất, mở đồn điền Phúc Do, tuyển người làm phu trồng cà phê; từ đây hình thức bóc lột nhân công theo kiểu tư bản xuất hiện tại Cẩm Thủy. Chúng xây dựng nhà thờ xứ ở Nghĩa Dũng (Cẩm Phong), Phù Lưu (trại Hà – Cẩm Tân) và một số nhà thờ họ ở các tổng, đưa linh mục người Pháp về truyền đạo để mị dân.
Sau này khi thực dân Pháp đã cấu kết lại được với bọn phong kiến, chúng mới mở 3 trường sơ học ở Cẩm Phong, Quan Phác, Chiềng Đông và một hương trường ở Mông Sơn để dạy tiếng Pháp cho con cái bọn quan lại, nhà giàu. Mãi năm 1940 chúng mới xây dựng ở Cẩm Phong một nhà thương nhỏ để chữa trị cho lính Pháp, bọn tay sai và một số ít người giàu có.
Cũng từ ngày Pháp đô hộ, phố huyện Cẩm Thủy mọc lên nhiều các ty rượu, ty thuốc phiện, sòng bạc, nhà hát cô đầu, nhà chứa để phục vụ cho cuộc sống sa hoa, trụy lạc của bọn thống trị. Chúng đầu độc và lôi kéo lớp thanh niên phố huyện vào con đường ăn chơi, trụy lạc, dần dần biến họ thành tay sai của chúng.
Từ khi Pháp đô hộ, các tầng lớp giai cấp ở Cẩm Thủy phân hóa hết sức sâu sắc, giai cấp địa chủ ở Cẩm Thủy có số lượng không nhiều, chiếm hữu số lượng ruộng đất không lớn, nhưng lại bị phân hóa sâu sắc nhất.
Những địa chủ lớn có từ 150 đến 200 mẫu ruộng như: Hoàng Trọng Hiều, Phạm Phú Quang, Chu Văn Như, Trương Công Triều. Có quyền lợi gắn liền với chế độ phong kiến thực dân ra sức bóc lột người lao động để làm nhiều, thực chất đã biến thành tay sai đắc lực cho thực dân Pháp. Đối với người Việt Nam nói chung và Cẩm Thủy nói riêng, không một nỗi khinh bỉ nào bằng khinh bỉ kẻ “nối giáo cho giặc”, “ cõng rắn cắn gà nhà”. Vì vậy có một bộ phận địa chủ phong kiến trở thành tay sai cho thực dân Pháp.
Tầng lớp thổ ti, lang đạo ở Cẩm Thủy, từ khi Pháp đô hộ, cũng bị phân hóa. Một số quan lang được sử dụng làm chánh tổng, lý trưởng, một mặt gắn liền quyền lợi nhà lang vào chế độ thực dân, mặt khác bị bọn thực dân lấn át, uy quyền và thay thế, từ đây trong tầng lớp quan lại này có sự phân hóa. Song tự thân tầng lớp thổ ti, lang đạo, không đủ sức để tổ chức quần chúng nhân dân trong mường đứng lên chống lại ách thống trị của thực dân Pháp. Vì vậy thời kỳ này xuất hiện các phong trào quần chúng đấu tranh chống đế quốc, phong kiến, nhiều quan lang tay sai đã đứng về phía nhân dân để đấu tranh chống lại ách áp bức bóc lột.
Tầng lớp tiểu thương ở Cẩm Thủy không nhiều. Từ khi Pháp đô hộ, đặt ra đồn kiểm lâm đánh thuế vào việc mua bán lâm thổ sản, tầng lớp này cũng bị bóc lột nặng nề. Một số nhà buôn lớn là ngoại kiều, được thực dân Pháp che chở, bảo trợ đã chèn ép tầng lớp buôn bán nhỏ người bản địa, vì vậy họ cũng căm ghét bọn đế quốc phong kiến không kém gì những người lao động khác.
Tri thức ở Cẩm Thủy chiếm số ít trong xã hội, nhưng lại có vị trí quan trọng ở thời kỳ Pháp đô hộ. Họ phần lớn là giáo học, thầy thuốc có tri thức, là người cảm nhận nỗi nhục sâu sắc của người dân mất nước. Khi có chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, những người tri thức ở Cẩm Thủy đã nhanh chóng nắm bắt được các tư tưởng cách mạng; đặc biệt qua tài liệu “ Đường Kách Mệnh”, họ tiếp nhận một cách tự phát và qua hoạt động thực tiền, có nhiều người trở thành cán bộ của Đảng.
Tầng lớp công nhân Cẩm Thủy ra đời cùng với việc khai thác đồn điền cà phê ở Phúc Do của thực dân Pháp, vốn xuất thân từ nông dân, lại làm việc trong một đồn điền sản xuất nông nghiệp nên tư tưởng, tâm lý, vẫn mang nặng tính tiểu nông. Tầng lớp nông dân chiếm 97% dân số ở Cẩm Thủy, là tầng lớp bị bóc lột nặng nề nhất trong xã hội thực dân – phong kiến. Họ mâu thuẫn gay gắt với đế quốc Pháp và chế độ phong kiến tập quyền nhà Nguyễn. Đặc biệt khi chế độ Pháp thực hiện chính sách cai trị thời chiến, giai cấp nông dân ở Cẩm Thủy bị bần cùng hóa đến cao độ. Nhiều người phải bán ruộng, biến mình thành kẻ nô lệ cho bọn địa chủ. Nhiều người bỏ làng, bỏ mường đi phiêu bạt kiếm sống ở nơi đất khách quê người. Vì vậy mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân với bọn đế quốc phong kiến càng trở nên sâu sắc.
Khi được giác ngộ, các tầng lớp nhân dân, các dân tộc Cẩm Thủy, trở thành lực lượng hùng hậu trong cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng./.
(Theo Lịch sử Đảng bộ huyện Cẩm Thủy Tr 9-16, NXB VHTT 7/2010)
Trung tâm huyện lỵ Cẩm Thủy hôm nay