1.Ma tuýlà gì?Ma túy là những chất có tính gây nghiện, có nguồn gốc tự nhiên hoặc nhân tạo. Khi đưa vào cơ thể người dưới bất kỳ hình thức nào, nó sẽ làm thay đổi tâm trạng, ý thức và hành vi của người sử dụng. Ma tuý không chỉ hủy hoại sức khỏe mà còn làm suy thoái nòi giống, phẩm giá con người, làm gia tăng tội phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội.
1.1 Ma tuý làchất gây nghiện, chất hướng thần
Ma tuý là các chất gây nghiện, chất hướng thần gồm những chất như: nhựathuốc phiện, nhựacần sa, cao côca, lá, hoa, quả cây cần sa, lá cây cô ca, quả thuốc phiện khô, quả thuốc phiện tươi, hêrôin, côcain, các chất ma tuý khác ở thể lỏng hay thể rắn. Ma túy là các chất có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp, khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm thay đổi trạng thái tâm sinh lý của người sử dụng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, ma túy theo nghĩa rộng nhất là: "Mọi thực thể hoá học hoặc là những thực thể hỗn hợp khác với tất cả những cái được đòi hỏi, để duy trì một sức khoẻ bình thường, việc sử dụng những cái đó sẽ làm biến đổi chức năng sinh học và có thể cả cấu trúc của vật".
Theo bà Đoàn Thu Ngân, Trưởng Phòng Kiểm soát ma túy, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan: Trong 9 tháng năm 2021, toàn ngành đã chủ trì, phối hợp bắt giữ được 191 vụ, 170 đối tượng, thu giữ khoảng 93kg heroin; 92,68kg cần sa; 6,8kg thuốc phiện; 459,48kg và 18.104 viên ma túy tổng hợp; 304,3kg ketamine; 1.020 viên thuốc hướng thần các loại.
1.2 Tác hại của ma tuý với sức khoẻ thể chất, tinh thần
Người nghiện ma túy là người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này. Ma tuý làm cho người nghiện thay đổi trạng thái tâm lý, sa sút về tinh thần, thay đổi nhân cách, suy nhược toàn thân, suy giảm sức lao động, giảm tuổi thọ và làm tăng nguy cơ bị lây nhiễm HIV/AIDS. Người nghiện nặng có biểu hiện rối loạn phản xạ thần kinh, đau đầu, chóng mặt, trí nhớ giảm sút, viêm dây thần kinh, rối loạn cảm giác, run chân tay, chậm chạp, u sầu, ngại vận động, dễ bị kích động dẫn tới tội ác. Nếu dùng ma tuý liều cao có thể bị ngộ độc cấp tính, biểu hiện rối loạn tâm thần nặng, hôn mê.
Do chất ma túy ảnh hưởng đến hệ thống hoóc môn sinh dục, làm giảm nhu cầu tình dục, giảm khả năng sinh con hoặc sinh con ốm yếu, chậm phát triển về thể lực và trí tuệ, suy thoái chất lượng giống nòi.
Khi lên cơn nghiện, người nghiện thường không làm chủ được bản thân nên dễ đánh mất nhân cách và phạm tội. Gia đình người nghiện phải chịu một gánh nặng rất lớn về kinh tế, đồng thời còn phải chịu áp lực tinh thần do bị cộng đồng kỳ thị. Hạnh phúc gia đình đổ vỡ, dẫn tới nghèo đói, con cái thất học, thậm chí hư hỏng.
Bên cạnh đó, việc quản lý điều trị cho các đối tượng nghiện cũng là một gánh nặng cho xã hội. Số lượng người nghiện ngày càng gia tăng thì các vấn đề về kinh tế, mất trật tự an ninh xã hội, tội phạm và tệ nạn xã hội khác trở nên nghiêm trọng hơn.
2. Dấu hiệu nhận biết người sử dụng chất ma túy
2.1 Mức độ lệ thuộc ma tuý
Theo các tài liệu nghiên cứu về ma tuý, nghiện ma túy là một quá trình. Bắt đầu từ dùng thử do tò mò, sau đó sẽ tiếp tục sử dụng và khi tần suất sử dụng thường xuyên hơn người đó sẽ dần bị lệ thuộc vào ma túy. Khi không có ma túy sẽ thấy thèm, khó chịu. Theo thời gian, mức độ lệ thuộc vào ma túy tăng lên và trở thành nghiện.
2.2 Một số dấu hiệu nổi bật như sau:
Thay đổi bất thường giờ giấc sinh hoạt:
· Thức khuya, đêm ít ngủ, dậy muộn, ngày ngủ nhiều, ăn uống thất thường;
· Hay tụ tập với những người sống buông thả, không có công ăn việc làm, không lao động hoặc chơi thân với người nghiện;
· Mỗi ngày, cứ đến một giờ nhất định nào đó dù có đang bận việc cũng tìm cách, kiếm cớ để đi ra khỏi nhà;
· Thích ở một mình, ít hoặc ngại tiếp xúc với mọi người, kể cả người thân trong gia đình.
Người sử dụng chất ma túy thường có tâm trạng, biểu hiện khác thường:
· Hay lo lắng, bồn chồn, đôi khi nói nhiều, hay nói dối quanh, hay có biểu hiện chống đối, cáu gắt hơn trước đây; Hay ngáp vặt, sụt cân, xanh xao; người mệt mỏi, không chịu lao động; không chăm lo vệ sinh cá nhân.
· Nếu là học sinh thường đi học muộn, trốn học, bỏ giờ học, ngồi trong lớp hay ngủ gật, học lực giảm sút; Nhu cầu tiêu tiền ngày một nhiều, thường xuyên xin tiền người thân; hay bán đồ đạc cá nhân và của gia đình, nợ nần nhiều, ăn cắp vặt; Túi quần áo, cặp sách, phòng ở thường có giây bạc thuốc lá, vỏ kẹo cao su, bật lửa ga, bơm kim tiêm, ống thuốc; Có dấu hiệu tiêm trên mu bàn tay, cổ tay, mặt, trong mắt cá chân, ở bẹn, ở cổ...
3. Một số loại ma tuý thường gặp
Theo thông tin của các cơ quan phòng chống tội phạm về ma túy, từ những loại ma túy phổ biến ban đầu như cần sa, heroin, thuốc phiện… hiện nay những loại ma túy tổng hợp xuất hiện ngày càng nhiều và gây ra tác hại to lớn đối với sức khỏe của người người sử dụng và nhiều nguy cơ, hiểm hoạ đối với cộng đồng. Dưới đây là một số loại ma tuý thường gặp.
3.1 Cần sa
Chất THC trong cần sa
Cần sa là loại ma túy được chế từ hoa và lá khô của cây cần sa. Loại ma túy này còn được biết đến với những tên khác như "cỏ", bồ đà, tài mà… Cần sa nhìn giống như lá chè khô và có thể còn hạt hoặc còn các cành nhỏ. Cần sa có thể màu xám, xanh lá cây hoặc màu nâu.
Cần sa thường được lăn bằng tay thành thuốc cuốn để hút, hoặc được hút bằng ống điếu. Một số người còn trộn cần sa với thức ăn như bánh ngọt hoặc bánh quy để ăn. Cần sa cũng có thể được trộn lẫn để hút cùng thuốc lá.
Trong cần sa có chất THC là yếu tố làm cho người sử dụng "phê". Khi hút cần sa, THC nhanh chóng qua phổi vào máu. Sau đó nó sẽ theo đường máu đi lên não, làm biến đổi tâm trạng của người sử dụng, khiến họ có cảm giác khác biệt. Người sử dụng cần sa trong một thời gian sẽ dẫn đến tình trạng lệ thuộc cần sa và sẽ luôn tìm cần sa để sử dụng.
Tác động của cần sa
Với liều dùng nhỏ, ảnh hưởng của cần sa có thể kéo dài trong vòng 5 giờ đồng hồ và người sử dụng có thể: Cảm thấy khỏe khoắn và sảng khoái một cách lạ thường; Có những hành động khác thường. Giữ thăng bằng và kiểm soát cơ thể kém; Cười nói nhiều hơn; Khó tập trung; Cảm giác đói; Nhịp tim nhanh hơn; Mắt ngầu đỏ; Chỉ tập trung vào một việc nhất định và thờ ơ với mọi việc khác. Những ảnh hưởng này thường làm cho người sử dụng cảm thấy mọi thứ đều chậm chạp và có cảm giác buồn ngủ.
Với liều dùng lớn sẽ làm cho người sử dụng: Lẫn lộn, bồn chồn, phấn chấn, nghe hoặc nhìn thấy những sự việc không có thực (ảo giác), lo lắng, sợ hãi, cảm thấy xa rời hoặc tách biệt khỏi thực tại…
Nếu sử dụng cần sa thường xuyên và trong một thời gian dài, người sử dụng sẽ gặp phải những vấn đề sức khỏe sau: Tăng nguy cơ mắc viêm phế quản, ung thư phổi và các bệnh lý khác về đường hô hấp; Giảm động cơ làm việc; Giảm khả năng tập trung, trí nhớ và khả năng học hỏi những điều mới; Giảm ham muốn tình dục; Giảm lượng tinh trùng ở nam giới; Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới; Một số người còn gặp phải các ảnh hưởng về tâm lý, đặc biệt ở những người đã có tiền sử bệnh tâm thần phân liệt…
3.2 Thuốc phiện
Cây thuốc phiện (cây anh túc) là loại cây thân cỏ, thân thẳng đứng, cao từ 1 - 1,5m, mọc ở nơi khí hậu mát, thích hợp với đất sét vôi. Nó có từ 8 - 12 nhánh phụ, mỗi nhánh có 1 bông hoa nhiều màu sắc, từ hoa sinh ra quả. Nhựa từ quả gọi là thuốc phiện sống. Nhựa thuốc phiện thường dùng để hút. Lúc đầu hút vào thấy có sự khoái lạc, tạo cảm giác hưng phấn, làm giảm đau nhức, mệt mỏi. Nhưng càng hút thì càng ngày càng phải tăng liều mới đạt được cảm giác như lần trước. Dần dần người hút bị suy sụp, mất hết nghị lực, ý chí và cả cảm giác không còn.
Hơn thế, ở người sử dụng thuốc phiện còn xuất hiện các biến chứng như: viêm dạ dày, viêm ruột mạn tính, táo bón dai dẳng, phát ban ngoài da, tiểu tiện ra abumin, thường hay bị sưng phổi, mạch đập chậm và không đều. Nguy hiểm hơn là khi không có thuốc, người sử dụng ma tuý phải nạo xái trong ống thuốc ra để hút, hút xái độc hơn vì nó có khoảng 80 - 90% chất morphin.
3.3 Heroin
Đây là loại ma túy phổ biến nhất hiện nay. Là chất được tổng hợp từ moócphin có trong nhựa thuốc phiện. Heroin thường được sử dụng theo đường tiêm chích, hút hoặc hít. Chất này chạy tới não chỉ trong vòng chưa đến 10 giây nếu tiêm, 10 hoặc 15 phút nếu hút hít. Trong giai đoạn đầu sử dụng các đối tượng thường hút hoặc hít heroin nhưng sau đó chuyển sang đường tiêm chích khi độ dung nạp tăng và không đủ tiền mua thuốc hít nữa.
Heroin có tác dụng giảm đau mạnh hơn morphin, nhưng độc hại hơn nhiều. Heroin có khả năng gây nghiện rất nhanh, người nghiện bị suy sụp nhanh chóng về thể xác lẫn tinh thần. Chỉ cần một liều khoảng 0,06g có thể gây chết người ngay sau khi tiêm (sốc thuốc).
3.6.Thuốc lắc
Thuốc lắc (hay còn gọi là Ecstasy), một loại ma tuý tổng hợp; là chất thuộc nhóm kích thích thần kinh độc hại, khi đưa vào cơ thể con người nó kích thích khiến người đó muốn nhảy múa, "lắc" điên cuồng (thường có âm nhạc cực mạnh, ánh sáng hỗ trợ). Thuốc được sản xuất dưới dạng viên nén, viên nang, bột trắng hay màu.
Thuốc lắc có rất nhiều loại, giá tiền tương ứng với nồng độ, liều lượng Ecstasy có trong viên thuốc lắc, với nhiều tên gọi như "hồng phiến", "viên nữ hoàng", "ngọc điên", Adam, Eva, Mọi da đỏ, Mè đen, Tên lửa, Thiên thần…
Khi đưa vào cơ thể bằng cách uống, nuốt, hít, người sử dụng thấy xuất hiện khoái cảm, với cảm giác thân thiện, huyết áp, thân nhiệt và mạch tăng nhanh, vã mồ hôi, run, giãn đồng tử, đỏ mặt… Thuốc gây ảo giác về thính giác, thị giác, làm biến dạng nhận thức của con người. Người sử dụng thuốc lắc thường bị kích động, hoang tưởng, ảo giác, không làm chủ được hành vi và thời gian sinh hoạt bị đảo lộn. Sử dụng lâu sẽ dẫn đến giảm thính giác (điếc), giảm trí nhớ, mất ngủ, nặng hơn thì sẽ gây chứng bệnh thần kinh (tâm thần)… Khi sử dụng nguy cơ quan hệ tình dục tập thể rất cao dẫn đến nguy cơ làm gia tăng lây nhiễm HIV.